Đỉnh núi Phìn Hồ cao hơn 1.300m như treo được cả mặt trời, nơi có những cây chè shan tuyết cổ thụ cho thức uống hảo hạng đạt 5 sao OCOP.

Bà Triệu Mùi Nghính, gương mặt thương hiệu của sản phẩm chè Phìn Hồ

Bà cụ thương hiệu

Nhà của bà Triệu Mùi Nghính – bà cụ được lựa chọn hình ảnh đại diện trên hộp chè Phìn Hồ đạt 5 sao OCOP của HTX chè Phìn Hồ nằm trong thung lũng Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) khuất dưới tán của những cây chè shan tuyết trong cánh rừng già. Năm nay bà đã 93 tuổi nhưng mắt vẫn tinh anh, khi đưa những chén trà vào môi, đầu lưỡi của bà vẫn cảm được chị trà ngon, hương trà nồng nàn.

Bà Nghính làm chè từ khi còn mặc váy khố nên chỉ cần tay chạm vào búp chè, mũi ngửi mùi hương là biết đó có phải là búp chè cho loại chè hảo hạng nhất hay không. Rồi sau đó mới đến công đoạn nhóm lò, nổi được đỏ lửa cho từng mẻ chè vào chảo gang mà dùng tay cảm nhận độ non lửa, già lửa để đạt vị chè ưng ý; để có được hương chè mà khi thưởng thức rồi sẽ gây nghiện, nhớ mãi đến cả vùng chè riêng biệt.

Nhà bà Nghính có 2ha chè shan tuyết, có những cây chè già tới 300 năm tuổi. Bà Nghính bảo rằng, người Dao đỏ ở Phìn Hồ biết uống chè từ xa xưa. Ngày trước, chè chỉ là thức uống để người Dao đỏ tiếp đón bạn xa, bạn gần, cũng có khi bán lấy tiền, nhưng giá chẳng được là bao.

Những cây chè shan tuyết cổ thụ cho người dân nơi đây cuộc sống ngày một khấm khá.

Giờ thì 1 kg chè đặc sản có thể giúp bà đổi được cả tạ thóc, gia đình bà Nghính ăn cả tháng không hết. Những cây chè cổ thụ còn biết “đẻ” ra cho bà và người làng nhiều trâu, nhiều bò, nhiều ti vi; lại còn “đẻ” ra cả chiếc xe máy có thể chạy hồng hộc khắp làng. Những chiếc xe máy ấy đi nhanh hơn đôi chân bà leo dốc, leo đồi mà sức những con trâu, con bò mộng cũng chẳng thể bì kịp. Nhờ những chiếc xe máy ấy mà các sản phẩm chè ngon của quê bà kịp đến các phố phường nhanh hơn.

Cô gái tháo vát ở vùng chè Phìn Hồ

Ở bản Phìn Hồ có tới 5 người phụ nữ tên là Mương giống cái tên của Lý Mùi Mương, Phó Giám đốc HTX chè Phìn Hồ. Theo những người già ở Phìn Hồ thì cô gái có tên là Mương thường là cô gái sinh không sinh ra ở làng hoặc trong ngày sinh có người dân tộc khác đến nhà chơi.

Một ý nghĩa khác của tên Mương nghĩa là tên của dân tộc khác, ý mong muốn của cha mẹ là em bé gái sinh ra không chỉ giỏi việc trong làng, trong bản người Dao đỏ mà còn giỏi cả việc giao lưu với các bản làng, các dân tộc khác; mong trở thành một kiếp người sống đáng được người làng nhớ mãi.

Bố mẹ của Lý Mùi Mương bảo rằng, cô được đặt cái tên ấy bởi ngày sinh ra Mương nhà cô có đón 2 vị khách người Kinh đến nhà mời mua máy phát điện bằng nước để cả gian nhà được thắp sáng. Đúng như kỳ vọng của bố mẹ đặt cho cái tên của mình, cô gái sinh năm 1991 Lý Mùi Mương từ những ngày còn tấm bé đã thể hiện mình là một cô bé có nhiều chữ chui vào đầu chẳng muốn chui ra, có đôi mắt chạm vào ngọn chè biết ngọn chè ngon…

Khu nhà sưởng sản xuất chế biến của HTX chè Phìn Hồ

Học hết phổ thông, Mương là cô gái đầu tiên của bản Dao thi đỗ vào một trường Đại học. Học xong khoa Hoá học của Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên, Mương về quê lập nghiệp và trở thành thành viên HTX chè Phìn Hồ. Năm 2018, khi các thành viên HTX đặt niềm tin vào mình, Mương được bầu làm Phó Giám đốc. Người làng và thành viên HTX bảo rằng, Mương có cái miệng nói hay như con oanh vàng hót trên ngọn núi dễ chạy vào đầu người bản, người bản dễ hiểu. Mương có sự nhanh nhẹn như con sóc trên rừng có nhiều chữ, lại đi nhiều, hiểu rộng nên làm Phó Giám đốc HTX thì người trong làng, trong bản sẽ được nhờ nhiều hơn.

Quả thật như thế, khi nhiều nhà ở Phìn Hồ sóng điện thoại còn chưa có, nhưng Mương đã biết chọn để lập trang fanpage trên facebook riêng cho HTX; lập nhóm zalo riêng để việc liên lạc được thuận tiện. Từ ngày, có các trang facebook, zalo nhiều khách lạ ở tận miền Nam đã gọi điện, liên hệ đặt chè. Có cả khách Tây nữa.

Lý Mùi Mương chia sẻ, nhà của cô cũng có những nương chè diện tích rộng 2ha, mỗi năm cho thu khoảng 6 tạ chè khô. Giống như những người trong bản Phìn Hồ và cả vùng chè Hoàng Su Phì, cây chè shan tuyết gần gũi gắn liều với đời sống của mỗi gia đình người Dao đỏ ở Phìn Hồ, nên mỗi người dân thường không bón phân hay bất cứ loại hoá chất nào cho cây; khi nào cỏ mọc cao thì dùng dao phát cỏ, vì vậy chè có hương vị tự nhiên, mùi thơm mang nét đặc trưng riêng nên được khách hàng ưa chuộng.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoàng Su Phì Lý Chòi Nhàn cũng là người con của bản Dao đỏ Phìn Hồ cho biết, nhờ những người như Lý Mùi Mương và các thành viên trong HTX chè Phìn Hồ nỗ lực đã giúp cây chè shan tuyết cổ thụ ngày càng có giá trị hơn và được nhiều người biết đến.

Vùng chè Phìn Hồ với nhiều diện tích được gieo ươm, trồng mới

Những mùa chè đi qua đã nuôi lớn đời sống của biết bao người trai, người gái ở bản Phìn Hồ. Những người trai, người gái lớn lên, dựng vợ, gả chồng, già đi rồi nằm lại bên đồi nương. Những cây chè shan tuyết cổ thụ vẫn ở đó, sừng sững hứng gió mưa, dông bão trở thành tâm hồn, thành mạch nguồn văn hoá ở bản làng Dao đỏ.

Sản phẩm OCOP 5 sao

Hiện nay toàn huyện Hoàng Su Phì có khoảng 4.600ha chè shan tuyết cổ thụ. Một năm thường có bốn vụ thu hoạch chè shan. Vụ ngon nhất, giá trị và chất lượng cũng cao hơn cả chính là đầu xuân. Đây là vụ mà sau khi chè shan đã trải qua một mùa đông giá rét thì cũng là lúc những búp chè đầu tiên bắt đầu bung ra ngậm sương sớm.

Chè Phìn Hồ là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hà Giang đạt 5 sao OCOP.

Khoảng tháng 5, tháng 6, khi trời nắng nhiều, thuận lợi về nước cho nên năng suất cao, cũng là lúc đợt thu hoạch nhiều nhất năm diễn ra. Khoảng tháng 8 là vụ thu tiếp theo và vào tháng 10, tháng 11 là đợt thu hoạch chè cuối cùng trong năm.

Tinh hoa của đất trời kết tựu vào từng lá trà, hòa quyện với cách chế biến theo bí quyết riêng người Dao đỏ thành từng gói trà xanh, trà đen, trà tiên, hồng trà, bạch trà mang thương hiệu riêng của HTX chè Phìn Hồ. Tất cả sản phẩm của HTX đều được tổ chức Control Union Certifications chứng nhận là sản phẩm hữu cơ tự nhiên theo tiêu chuẩn Châu Âu và đang dần hội nhập với thị trường toàn cầu.

Tháng 6/2021, HTX chế biến chè Phìn Hồ có 2 sản phẩm chè đạt 5 sao OCOP, gồm: Sản phẩm trà Xanh (hộp 100 gam) và Hồng trà (hộp 100 gam). Đây là 2 sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hà Giang đạt 5 sao OCOP.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Khóa Việt-Tiệp từng bước đẩy lùi hàng nhái, hàng giả
Xuất khẩu mật ong sang Mỹ giảm 90%, thấp nhất trong hơn 10 năm

Bài viết mới nhất