Sở hữu nhiều thuận lợi sẵn có, nhiều chính sách cũng đã có, nhưng nông nghiệp hữu cơ ở Tuyên Quang vẫn còn rất nhỏ lẻ, manh mún, chưa mang tính thương mại lớn.
Sản phẩm hữu cơ còn “vô danh”
Hiện nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là đạt 114,4ha. Trong số này, có 6,2 ha lúa, 27,5 ha chè, 18,3 ha cam, 10,2 ha bưởi; sản xuất hữu cơ chuyển đổi 52,3 ha, trong đó 35,7 ha bưởi, 16,6 ha cam.
Dù diện tích chưa lớn, nhưng những năm qua Tuyên Quang đã bước đầu triển khai mở rộng phát triển nông nghiệp hữu cơ và hỗ trợ tiêu chuẩn, quy chuẩn hoá các sản phẩm để nâng cao giá trị và chất lượng. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hữu cơ sản xuất theo PGS; duy trì áp dụng dán tem QR truy xuất nguồn gốc trên 100 % các sản phẩm hữu cơ.
Xã Hồng Thái là địa phương có vùng chè hữu cơ lớn nhất tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Hiện nay sản xuất hữu cơ còn mang tính nhỏ, lẻ, tự phát; hàng hóa chưa đa dạng; sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, theo tiêu chuẩn hữu cơ còn ít; chưa có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng; hàng hóa sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ, còn ít người biết đến sản phẩm hữu cơ của địa phương.
Số doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân thông qua hợp đồng còn ít; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế…
Gia đình bà Đỗ Thị Thanh, thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn trồng 1ha bưởi, gần 1ha cam theo mô hình hữu cơ được năm thứ 4. Làm nông nghiệp hữu cơ sản phẩm cam, bưởi của gia đình bà Thanh mã không đẹp bằng mô hình thông thường, nhưng cho độ ngọt đồng đều, đảm bảo chất lượng, quan trọng nhất khi ăn những trái cây từ mô hình, người tiêu dùng yên tâm tuyệt đối về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay việc phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhìn chung mới giai đoạn khởi đầu, còn không ít khó khăn
Bởi vậy, làm nông nghiệp hữu cơ giúp sản phẩm của bà tiêu thụ thuận tiện hơn. Nhất là với những khách hàng đặt làm quà biếu hay mua số lượng lớn phục vụ hội nghị, tiệc lớn.
Thế nhưng theo bà Thanh, hiện nay nhu cầu sử dụng bưởi hữu cơ chuyển đổi tại thị trường Tuyên Quang còn thấp. Người dân vẫn còn nặng tâm lý muốn mua sản phẩm giá rẻ và chưa chú trọng nhiều đến vấn đề chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, quy mô làm bưởi hay cây ăn quả theo hướng hữu cơ ở Tuyên Quang còn nhỏ, việc kết nối tiêu thụ với các đối tác lớn, lâu dài chưa có cũng là thách thức.
Sẵn thuận lợi, nhiều chính sách
Trên thực tế, tỉnh Tuyên Quang có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tại đây có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt và tạo được thương hiệu trên thị trường. Tiêu biểu như sản phẩm cam sành Hàm Yên đạt Top 10 loại quả giá trị bậc nhất Việt Nam; bưởi đặc sản Soi Hà có hương vị thơm ngon, đặc trưng riêng có và vinh dự lọt vào Top 10 thương hiệu nổi tiếng năm 2018 và đã được cấp chỉ dẫn địa lý; chè Shan Tuyết Na Hang được công nhận sản phẩm hữu cơ và được cấp chỉ dẫn địa lý năm 2021…
Sở hữu nhiều hồ lớn, Tuyên Quang có điều kiện rất thuận lợi để nuôi thủy sản hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tại Tuyên Quang đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đã có những nông dân nhận thức được lợi ích của sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; có nhu cầu và mong muốn chuyển đổi sản xuất theo phương pháp hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và giúp cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đất đai được chăm sóc mầu mỡ, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Sở NN-PTNT đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh như Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Tính đến tháng 12/2021, Tuyên Quang đã tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS cho 9 nhóm sản xuất với 48 nông dân tham gia, tổng diện tích 70,6 ha, trong đó chứng nhận sản xuất hữu cơ 18,3 ha; chứng nhận sản xuất hữu cơ chuyển đổi 52,3 ha.
Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn tư vấn, hướng dẫn các chủ thể xây dựng dự án sản xuất hữu cơ theo danh mục dự án đã được phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Tiềm năng cây dược liệu của Tuyên Quang có rất dồi dào, phong phú cho phát triển nông nghiệp hữu cơ nhưng chưa khai thác được đáng kể
Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ đã bước đầu mang lại không chỉ lợi ích kinh tế cho bà con mà còn nâng tầm thương hiệu của nông sản Tuyên Quang cũng như tạo nên một nền tảng nông nghiệp bền vững, vừa tốt cho sức khoẻ của người sản xuất, vừa tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Gia đình Ông Đàng Xuân Chân (người Dao) ở thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang có hơn 5 ha chè shan tuyết chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ông Chân cho biết, ưu điểm lớn nhất của những rừng chè nơi đây là từ trước đến nay người dân hoàn toàn trồng tự nhiên, nên khi làm các thủ tục công nhận hữu cơ rất thuận tiện. Tuy nhiên đây cũng là hạn chế, bởi người dân chưa biết cách canh tác, chăm sóc đảm bảo năng suất.
Được cán bộ khuyến nông huyện cùng Công ty Cổ phần chè Kia Tăng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái nên những khó khăn dần được tháo gỡ. Sản xuất chè hữu cơ, ông Chân tiến hành cải tạo, bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ vào đất cho cây. Giờ đây, những cây chè cổ thụ to xù xì mốc trắng, thân cao và tán sum xuê cõng tua tủa những chồi non gấp 2, gấp 3 lần những vụ trước. Năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha/năm và tiêu thụ khá thuận lợi với giá ổn định.
Vườn bưởi Diễn của gia đình ông Trần Khắc Dũng ở thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn đã chuyển sang sản xuất hữu cơ được hơn 2 năm. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT và Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, ông Dũng được tham gia lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp chuyển đổi hữu cơ.
Hiện nay, Tuyên Quang đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Ông Dũng cho biết, nguồn phân bón cho cây trồng giờ ông đã tự ủ từ đỗ tương, cá và nguồn chất thải từ chăn nuôi; thuốc trừ sâu, bệnh được pha chế từ tỏi, ớt, gừng, rượu. Chi phí phục hồi lại đất và sử dụng quy trình chăm sóc hữu cơ tốn kém và mất công hơn thông thường, nhưng bù lại là an toàn cho cả người làm vườn và người tiêu dùng.
Về lâu dài, sản xuất hữu cơ sẽ bảo vệ được đất đai và mạch nước ngầm. Chuyển đổi sang hướng sản xuất hữu cơ, chất lượng bưởi cũng được người tiêu dùng đánh giá ngon, ngọt hơn vì thế được giá hơn.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...