Theo các doanh nghiệp, thị phần nông sản hữu cơ của Việt Nam vẫn còn rất lớn nhưng một trong những thách thức của sản phẩm này khi tiêu thụ trên thị trường chính là vấn đề về giá thành cao.

Tại diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” diễn ra ngày 28/9, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển. Điều này là dễ hiểu vì tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng tăng và nhu cầu đủ ăn, nay đã chuyển thành ăn uống sao cho tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận vào thực tế là vẫn đang tồn tại rất nhiều cách hiểu về mô hình canh tác hữu cơ. Bà Hạnh dẫn chứng hiện nay trên mạng thường sử dụng những kiểu quảng cáo như thực phẩm hữu cơ đang ngày càng phổ biến, thị phần “áp đảo” thị trường, với nhu cầu bùng nổ như hiện nay, tại TP HCM, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ mọc lên như nấm..

Trong khi đó, qua khảo sát sơ bộ, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết,  việc cung ứng sản phẩm nông nghiêp hữu cơ đang gặp trở ngại lớn nhất là về giá khi sản phẩm này cao hơn thực phẩm thường đến 6 lần.

Lý giải cho điều này, ông Lê Khắc Cương,Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Quốc tế TH Group, cho biết để có một sản phẩm hữu cơ chuẩn tốn quá nhiều thời gian.

Ông dẫn chứng, do yếu tố lịch sử, tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật làm chai đất, độ PH chỉ 3-4, công ty phải kiên trì 5-7 năm mới cải tạo được để đưa vào sản xuất. Chưa kể, trong quá trình sản xuất, chỉ một mẫu không đạt sẽ phải làm lại từ đầu. Do đó, giá thành sản phẩm đội lên rất cao. Đây cũng là thách thức không nhỏ khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Còn theo ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Giám đốc điều hành Ecolink (chuyên về trà hữu cơ), dù sản phẩm của Ecolink có chứng nhận quốc tế nhưng các đối tác nhập khẩu luôn yêu cầu doanh nghiệp gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Việc này dẫn đến doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí.

Ngoài ra, doanh nghiệp rất khó bán sản phẩm mang thương hiệu của mình nên cần liên kết với các nhà bán lẻ để dễ tiêu thụ. Chưa kể, xuất khẩu hàng hóa nói chung đang gặp khó do nhiều thị trường chủ lực phải đối mặt lạm phát…

Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam

là hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…

Chia sẻ bên lề diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty G.C Food, cũng cho biết một trong những lý do khiến giá thành sản phẩm hữu cơ cao, đó là do quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình chưa được nâng cao lên.

“Để giảm giá thành thì một trong những yêu cầu đầu tiên đó là quy mô sản xuất phải tăng để sản lượng nhiều hơn, từ đó mới cắt giảm được giá thành. Thứ hai là cần sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Góc độ người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn mức giá thông thường một chút để nhà sản xuất có đầu ra một cách ổn định, lâu dài. Như vậy, các nhà sản xuất mới mạnh dạn đầu tư quy mô lớn và từ đó thị trường mới tăng trưởng đều được”, ông Thứ chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty G.C Food

Theo đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, người tiêu dùng luôn cần loại thực phẩm tốt nhất. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần được đứng ở vị trí dẫn dắt, như tiêu chuẩn mà nền nông nghiệp nên hướng tới.

Vì vậy, vẫn cần khuyến khích các loại sản phẩm nông nghiệp an toàn và sạch, đáp ứng nghiêm túc các tiêu chuẩn cần thiết và muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.

Bà Vũ Kim Hạnh cho hay về thị trường xuất khẩu, hiện nay nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được nhiều nhất với thị trường châu Âu.

Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ euro. Đức là thị trường lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai thế giới với 11,97 tỷ euro doanh thu bán lẻ. Thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8%. Mức tăng trưởng cao nhất được quan sát thấy ở Pháp 13,4%.

“Trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của Việt Nam vẫn còn rất rộng mở,” bà Hạnh nói.

Không chỉ có thị trường châu Âu rộng mở với nông sản hữu cơ, TS Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mekong Organic cho biết doanh số bán lẻ nông sản hữu cơ tại Australia đã tăng lên hơn 2,5 tỷ AUD.

Thị trường của sản phẩm hữu cơ của Australia tăng trên 5% mỗi năm và đặc biệt có những năm tăng trên 10%. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm hữu cơ vào Australia đang khá khiêm tốn, đây là cơ hội đối với các sản phẩm của Việt Nam.

“Hiện tại qua quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, các cửa hàng bán buôn cho thấy hàng hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đang dần thâm nhập vào thị trường Australia. Đó là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng Australia,” TS Nguyễn Văn Kiền cho biết.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

 

Chia sẻ bài viết

Thanh niên hào hứng khởi nghiệp nông nghiệp
Bảo tồn, nâng tầm nông đặc sản Hà Giang

Bài viết mới nhất