Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần ngô, lúa…, trồng cây dược liệu đã thay đổi tập quán canh tác của bà con, thúc đẩy sản xuất theo hướng hữu cơ.

Hiệu quả cao gấp nhiều lần ngô, lúa

Theo kế hoạch năm 2022, tỉnh Lào Cai sẽ trồng mới 535ha cây dược liệu. Từ đầu năm đến nay, các địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển dược liệu của tỉnh đã chủ động xuống giống theo đúng tiến độ đề ra. Đến nay, bà con nông dân đã trồng đạt trên 90% kế hoạch. Cây dược liệu trồng mới bao gồm bạch chỉ, độc hoạt, ngưu bàng, đương quy Nhật, cát cánh, đương quy, đẳng sâm và bạch truật. Diện tích tập trung tại Thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Bát Xát.

Cánh đồng cây cát cánh không chỉ mang lại thu nhập cho bà con vùng cao

mà nay còn là điểm thu hút khách du lịch

Ước, sản lượng dược liệu thu hoạch năm 2022 của Lào Cai đạt trên 2.068 tấn. Từ nay đến cuối năm, các địa phương sẽ tập trung trồng hết diện tích đã được giao kế hoạch. Đồng thời duy trì tốt phần đã trồng, tập trung chăm sóc, đảm bảo sản xuất dược liệu mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh Lào cai có 3.580ha cây dược liệu chính, trong đó có 140ha với 11 loại cây được Bộ Y tế đánh giá đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái” (GACP-WHO) trong sản xuất dược liệu.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi được 135ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại dược liệu.

Đặc biệt, việc trồng dược liệu của bà con đều đã có liên kết sản xuất, doanh nghiệp thu mua sản phẩm, nông dân cam kết sản xuất đạt các tiêu chuẩn an toàn của đơn vị thu mua.

Ông Đặng Quang Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, hiện nay HTX đã liên kết cùng bà con địa phương trồng được trên 100ha dược liệu. Trong đó, tập trung vào cây cát cánh, đương quy, tam thất, thất diệp nhất chi hoa, hà thủ ô… là những loại cây có diện tích trồng đã đạt chuẩn GACP-WHO.

Nông dân Bắc Hà làm đất để trồng cây dược liệu.

Để làm được điều này, HTX cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con để trồng, chăm sóc và thu hái sao cho sản phẩm đạt chuẩn GACP-WHO. HTX cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cây dược liệu cho bà con. Hiện nay, giá cát cánh HTX đang thu mua của người dân là 20 – 25 nghìn đồng/kg; đương quy 15 – 20 nghìn đồng/kg…

Thay vì trồng ngô, trồng lúa trên những mảnh đất bạc màu, kém hiệu quả, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dược liệu. Cây dược liệu đã cho thấy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con.

Thúc đẩy sản xuất hữu cơ

Ông Sùng Seo Giả ở thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà, Lào Cai) trồng 1,2ha cát cánh. Trước khi chưa tham gia trồng cây dược liệu, gia đình ông chủ yếu trồng ngô, lúa và một số cây như khoai, lạc cũng đem lại nguồn thu nhập nhưng thấp. Sau khi trồng cây dược liệu, chỉ sau một mùa vụ, gia đình ông có nguồn thu nhập gấp nhiều lần so với cây trồng truyền thống.

“Từ ngày trồng dược liệu, gia đình sửa lại được nhà cửa khang trang, mua xe mới, đóng tiền cho con đi học. Có điều kiện, gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Ở đây có HTX đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm nên người dân rất yên tâm”, ông Sùng Sẹo Giả nói.

Ông Ngải Seo Phà cùng ở thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư cho hay, 1ha cây cát cánh đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng cây ngô, cây lúa.

“Sau khi trồng cây dược liệu cát cánh, đã có thu nhập cao hơn gấp 6 – 7 lần so cây ngô, lúa. Mỗi ha cây dược liệu đem lại nguồn nhập khoảng 160 – 170 triệu đồng. Nay gia đình tôi đã xây được nhà, mua được xe máy mới”, ông Sùng Sẹo Phà phấn khởi nói.

Không chỉ cho thu nhập cao, cây dược liệu còn thúc đẩy nông dân

vùng cao sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái

Để phát triển cây dược liệu, những đơn vị trên địa bàn huyện Bắc Hà cũng như những đơn vị liên kết khác với người dân gặp nhiều khó khăn do phải vận động, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để bà con trồng dược liệu, đặc biệt là việc phải tuân thủ tiêu chuẩn để đảm bảo dược liệu sạch.

Ông Sùng Sẹo Sếnh, cán bộ kỹ thuật của HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải cho hay: “Bước đầu phải vận động và đưa cây mới về nhưng bà con cũng không muốn làm. Tuy nhiên, chúng tôi chọn ra những hộ tiêu biểu để làm trước. Khi bà con nhìn thấy từ việc trồng dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn ngô lúa thì bà con cũng xin trồng theo”.

HTX cũng tổ chức các lớp tập huấn thường xuyên, nhắc lại để bà con nhận thức được hiệu quả kinh tế từ việc trồng dược liệu, đồng thời phổ biến thường xuyên về quy trình kỹ thuật trồng, thu hái cây dược liệu đảm bảo sạch theo GACP-WHO cho bà con. HTX cũng thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, giám sát, chỉ khi bà con thực hiện đúng theo hướng dẫn, đảm bảo nguồn dược liệu sạch mới thu mua.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

 

Chia sẻ bài viết

Trồng rau trái vụ trên 'cao nguyên trắng', thu 200 triệu đồng/ha
Nuôi ốc nhồi không 'dễ ăn' nếu không có kiến thức

Bài viết mới nhất