Mô hình nuôi gà lai chọi thương phẩm an toàn sinh học của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã giúp các hộ dân tại xã Đắk Ngo có thu nhập ổn định.
Ông Dương Văn Xuân (ngụ bản Giang Châu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) là một trong 12 hộ dân được chọn tham gia mô hình nuôi gà lai chọi thương phẩm an toàn sinh học.
Trước đây, gia đình ông Xuân đã nuôi gà, tuy nhiên do quy trình nuôi chưa đúng khiến gà chết nhiều, chất lượng thịt không được đánh giá cao. Sau khi tham gia mô hình nuôi gà lai chọi thương phẩm an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông tổ chức, ông Xuân được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống và thức ăn.
Ông Xuân cho biết, nhờ tham gia mô hình, đến nay gia đình tiếp tục triển khai và áp dụng kỹ thuật đối với giống gà lai chọi rất hiệu quả.
Gia đình ông Sùng A Của có thu nhập ổn định từ mô hình nuôi gà lai chọi.
“Trước đây gia đình nuôi gà hay bị chết và bị bệnh do thả ngoài vườn dẫn đến bị ướt. Tham gia mô hình, gia đình tôi nuôi 100 con gà lai chọi, sau 3 tháng tỷ lệ sống đến hơn 97%. Sau khi xuất bán, gia đình thu về hơn 15 triệu đồng”, ông Xuân chia sẻ.
Theo ông Xuân, nhờ có mô hình mà gia đình nắm được kỹ thuật nuôi gà. Gà thương phẩm sau khi bán ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao. Từ những thành quả ban đầu, sắp tới gia đình ông sẽ vay mượn vốn để tiếp tục mở rộng mô hình.
Tương tự, ông Sùng A Của (ngụ thôn Si At, xã Đắk Ngo) cũng được Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông hỗ trợ tham gia mô hình nuôi gà chọi lai.
Mô hình gà lai chọi giúp bà con dân tộc thiểu số vùng biên Đắk Nông dần thay đổi tập quán sản xuất
Theo ông Của, trước đây nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu trông chờ vào việc làm rẫy. Tuy nhiên, nguồn thu nhập này không ổn định nên kinh tế gặp nhiều khó khăn.
“Tham gia mô hình, chúng tôi được hỗ trợ giống, thức ăn và hướng dẫn khoa học kỹ thuật nuôi gà. Sau hơn 4 tháng nuôi, gia đình xuất lứa gà đầu tiên cho thu nhập hơn 15 triệu đồng. Đây là nguồn thu lớn đối với gia đình”, ông Của chia sẻ. Thời gian tới, gia đình ông Của sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, các trại chăn nuôi gà tại địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn cả về số lượng cũng như chất lượng con giống. Người dân sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, chưa quan tâm đến sản xuất hàng hoá, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế.
Người dân tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật để nuôi gà một cách hiệu quả, ít rủi ro dịch bệnh
Mô hình nhằm từng bước nâng cao chất lượng chăn nuôi, mang lại thu nhập cho người dân bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ từ khâu lựa chọn con giống, quá trình nuôi úm, chăm sóc nuôi dưỡng cho đến phòng trị bệnh và xử lý chuồng trại một cách an toàn. Đồng thời để người dân tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nhiều hơn với các mô hình phát triển sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng đến chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học.
Mô hình trình diễn nuôi gà lai chọi thả vườn an toàn sinh học cho thấy sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ gà sống trên 97%, trọng lượng trung bình đạt 1,7kg/con, người dân có thu nhập ổn định. Từ kết quả của mô hình, đã từng bước tác động làm thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ canh tác truyền thống, hiện nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông cho biết, mô hình nuôi gà lai chọi thương phẩm an toàn sinh học đảm bảo được vệ sinh môi trường nơi chăn nuôi, tạo môi trường nuôi sạch sẽ, quản lý tốt được đàn gà, ít hao hụt, hạn chế được dịch bệnh.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông sẽ nhân rộng mô hình từ những hiệu quả ban đầu
“Thông qua các mô hình trình diễn, đã giúp nông dân được tiếp cận với các giống gia cầm có hiệu quả kinh tế cao, biết cách lựa chọn con giống để nuôi phù hợp với thị trường, áp dụng được các kỹ thuật chăn nuôi mới vào sản xuất. Người dân biết cách sử dụng vacxin để phòng bệnh, sử dụng thuốc để chữa được các bệnh thường gặp, biết cách hạch toán kinh tế, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi. Khi tham gia thực hiện mô hình, người chăn nuôi tận dụng được thời gian nông nhàn, tăng thu nhập cho gia đình”, ông Chương nói.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...
Top 5 Cách Phát Hiện Hàng Giả Ngành Đồ Gia Dụng
Top 5 Cách Phát Hiện Hàng Giả Ngành Đồ Gia Dụng Trong bối cảnh cạ ...