So với trước đây, người trồng cà rốt ở Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã tin tưởng vào tương lai cây cà rốt hơn nhiều.

Tôi cùng đồng nghiệp đến xã Đức Chính, huyện Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương vào một buổi sáng mùa đông, nắng vàng như nắng mùa thu, cánh đồng cà rốt xanh bát ngát, được tưới tự động bằng vòi phun. Đón chúng tôi là anh Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính. Như mọi khi, tôi hỏi anh Thuật giá cà rốt năm nay thế nào, thuận lợi và khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Anh Thuật bảo, vụ đông năm nay đầu vụ ấm khác thường (tháng 10 và tháng 11 nhiệt độ cao nhất vẫn phổ biến trên 30 độ C) nên cà rốt trà sớm củ nhọn, lõi to. May mà tháng 12 trời trở lạnh, chất lượng củ các trà muộn hơn sẽ tốt. Đáng buồn là giá cà rốt ở Đức Chính hiện tại chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Xưởng sơ chế cà rốt của HTX Đức Chính do Cộng đồng Nông thôn Hàn Quốc,

Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc tài trợ

Theo đánh giá và nhận định của anh Thuật, nguyên nhân khiến giá cà rốt năm nay rớt thảm là do cà rốt của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xuất khẩu sang mình. Công nhân trong các khu công nghiệp phía Nam thất nghiệp nhiều nên lượng bắp cải và cà rốt tiêu thụ ở các khu vực này giảm. Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi đầu vụ dẫn đến củ cà rốt xấu mã, nhọn, lõi to, hình thức xấu…

Hiện nay, Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu các sản phẩm cây lấy củ, thân củ (phần ăn được nằm dưới mặt đất) từ ngày 3/10/2022. Đây là lần thứ hai Hàn Quốc ban hành lệnh cấm này. Lý do là họ phát hiện tuyến trùng Radopholus similis trong mặt hàng củ chuối (thân thật của chuối) xuất sang Hàn Quốc. Mà Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ 80% cà rốt cỡ củ to nên việc xuất khẩu cà rốt Đức Chính sang thị trường này thời gian qua bị khựng lại, khiến giá tụt sâu.

Điều khiến anh Thuật lo lắng nhất lúc này là thị trường Hàn Quốc chưa mở cửa trở lại cho cà rốt. Hơn 20 công ty Hàn Quốc đang đợi để nhập cà rốt từ Đức Chính nhưng chỉ biết chờ đợi. Được biết, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương có báo cáo vấn đề này với Cục Bảo vệ Thực vật và Cục đã có đối thoại để phía Hàn Quốc sớm dỡ bỏ lệnh cấm cho cà rốt.

Hội thi thu hoạch cà rốt được tổ chức tại vùng cà rốt xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) đầu năm 2022

Tôi hỏi anh Thuật: “Bạn và bà con có hài lòng với những gì Dự án Hỗ trợ cơ sở sơ chế và bảo quản nông sản tại Việt Nam mang lại?” (đó là Dự án do Cộng đồng Nông thôn Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc tài trợ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tiếp nhận, hỗ trợ triển khai).

“Hài lòng quá đi chứ chị. Với công suất sơ chế 100 tấn cà rốt/ngày, 3.000 tấn/tháng trong 5 tháng thu hoạch cà rốt/năm, 15.000 tấn cà rốt được xuất đi từ cơ sở sơ chế do Dự án tài trợ. Cà rốt sau thu hoạch phải được rửa qua 5 nước, bảo quản lạnh – 3 độ C trong 16 – 24h cho đến khi lõi củ đạt 8 độ C. Nhưng đó là giá trị hữu hình, giá trị vô hình Dự án mang lại lớn hơn nhiều. Từ khi Dự án thực hiện, nhiều công ty Hàn Quốc đã trực tiếp đến đây để mua cà rốt. Chúng tôi thương lượng giá trực tiếp với họ, không như trước đây, họ mua qua các công ty trung gian và bà con bị ép giá. Các công ty trực tiếp liên hệ với chúng tôi qua Zalo, đây tôi cho chị xem…”, anh Thuật chia sẻ.

Anh Thuật lấy điện thoại để cho tôi xem tin nhắn. Rất vui khi một công ty nhắn cho anh Thuật là cà rốt đã được phép xuất sang Hàn Quốc và họ muốn mua hàng trong tháng 1/2023. Anh Thuật vui lắm, hào hứng chia sẻ với tôi những giá trị vô hình mà Dự án mang lại: “Hơn 20 công ty của Hàn Quốc muốn mua cà rốt của Đức Chính. Tập đoàn Sam Sung mua cà rốt Đức Chính từ 2021. Sắp tới Phó Tổng Giám đốc Sam Sung sẽ đến thăm hợp tác xã chị ạ”.

Khách mời tham dự Hội thi thu hoạch cà rốt Hải Dương năm 2022

Có thể nói, Dự án này cũng thúc đẩy những dự án khác hỗ trợ cho vùng sản xuất cà rốt tập trung tại xã Đức Chính. UBND tỉnh Hải Dương hiện cũng đã đầu tư mở rộng con đường trục chính của cánh đồng cà rốt ở xã Đức Chính từ 3m thành 6m để vận chuyển cà rốt được thuận lợi, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm (tưới phun) cho 100ha cà rốt ngoài đê, nguồn nước tưới lấy từ sông Thái Bình.

Về an toàn sản phẩm: Để xuất khẩu được cà rốt, bà con buộc phải tuân thủ quy định để sản phẩm đạt yêu cầu của bên mua. Năm 2020, một công ty xuất cà rốt đi Nhật Bản đã bị trả về do dư lượng Hexaconazole vượt ngưỡng cho phép. Bà con đã xử lý củ thối khô bằng thuốc sữa, hoạt chất Hexaconazole, tưới lên luống (lượng dùng quá nhiều). Chi cục BVTV Hải Dương đã tập huấn bà con chỉ được phun lên lá, không được tưới xuống đất khi xử lý bệnh cây (tưới dung dịch thuốc vào trong đất không chỉ là vấn đề dư lượng trong sản phẩm mà còn diệt vi sinh vật có lợi trong đất).

Chi cục BVTV Hải Dương cũng hướng dẫn thời gian cách ly 25 – 30 ngày. Từ đó, cà rốt chỉ được xuất đi khi thời gian cách ly tối thiểu 25 ngày và không còn gặp vấn đề về dư lượng nữa. Với diện tích cà rốt của toàn xã năm 2019 là 360ha, từ năm 2021 là 380ha, cộng thêm khoảng 1.000ha đất ngoài xã người dân thuê trồng cà rốt mỗi năm, năng suất trung bình 51 tấn/ha, doanh thu từ cà rốt của xã Đức Chính năm 2019 là 170 tỷ đồng, tăng lên 300 tỷ đồng năm 2022 (thực chất là doanh thu cà rốt trồng từ vụ đông 2021).

Nông dân Hải Dương ngày càng tin tưởng vào tương lai của cây cà rốt

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Đồng bào vùng biên thoát nghèo nhờ nuôi gà lai chọi
Nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vững

Bài viết mới nhất