Theo thống kê, diện tích canh tác hữu cơ ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,4% trên tổng diện tích đất nông nghiệp.

Vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cùng Phòng NN-PTNT các quận, huyện đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Sản xuất hữu cơ, thực tiễn và định hướng phát triển”.

TP Cần Thơ là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm ở ĐBSCL, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) cũng được địa phương này quan tâm và đẩy mạnh khuyến cáo áp dụng. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, hiện TP Cần Thơ mỗi vụ có gần 80 nghìn ha canh tác lúa, cây ăn trái trên 23,5 nghìn ha và gần 3.000ha đất nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, nhìn chung tình trạng nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học vẫn còn nhiều, do vậy việc sản xuất NNHC còn rất hạn chế.

Tọa đàm “Sản xuất hữu cơ – thực tiễn và định hướng phát triển” do Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ tổ chức

Việc sản xuất NNHC hiện nay đang được xem là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống con người.

Hiện nay, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đang khuyến cáo nông dân và các trang trại sản xuất theo hướng NNHC để đạt theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP…, bên cạnh đó một số doanh nghiệp đầu tư về NNHC đã mạnh dạn loại bỏ sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học trong sản xuất, thay vào đó sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc hữu cơ sinh học.

Hiện nay, NNHC cũng đang được xã hội quan tâm và xem đây là tiền đề để ngành nông nghiệp tập trung đầu tư, tổ chức lại sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng thực hiện trong ngày một ngày hai. Bởi đây là cả một quá trình chuyển tiếp, đòi hỏi sự cộng hưởng thêm sức của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là sự quyết tâm bền bỉ của bà con nông dân.

Sản xuất NNHC là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho rằng, để có sự bứt phá hơn nữa trong phát triển NNHC, cần phải có định hướng và chiến lược dài hơi cho vấn đề này. Vì đây không phải việc sản xuất nông nghiệp thông thường chuyển sang sản phẩm NNHC mà yếu tố quan trọng trong đó phải mang tính bền vững lâu dài. Khi đã nói đến bền vững, phải nghĩ đến sự bền vững từ đất đai và nước là đầu tiên, sau đó mới đến vận dụng kỹ thuật, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, từ đó sẽ tạo ra sản phẩm bền vững và có chất lượng.

Theo ông Quỳnh, hiện nay, các nước trên thế giới đang chú trọng các sản phẩm NNHC cao như châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản…, nhưng các sản phẩm NNHC của Việt Nam làm ra còn giới hạn, chưa đáp ứng được nhiều cho các thị trường trên thế giới. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp cần phải nắm bắt thị trường, thực hiện quy hoạch tổ chức vùng sản xuất NNHC quy mô lớn và có doanh nghiệp làm đầu tàu để đứng ra liên kết tiêu thụ cho nông dân.

Vấn đề kế tiếp, khi sản xuất NNHC cần phải có nguồn nguyên liệu phân bón hữu cơ sinh học và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi theo cơ chế tự nhiên. Nông dân phải biết tận dụng nguồn phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng hay vật nuôi, vừa giúp giảm chi phí, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho cộng đồng và tăng thu nhập cho người sản xuất.

Hiện nay, TP Cần Thơ đang khuyến cáo nông dân và các trang trại sản xuất theo hướng NNHC để đạt theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP…

Tiến sỹ Ngô Thị Thanh Trúc, Giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, thị trường thế giới sẽ ngày càng yêu cầu cao về sự an toàn, sản phẩm sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường. Vì vậy, nông sản nước ta nếu không đạt được nhu cầu tối thiểu này, thì đây là trở ngại lớn khi thúc đẩy sự phát triển, hình thành nền sản xuất NNHC trong tương lai.

Để sản xuất NNHC đem lại hiệu quả cao, không có con đường nào khác là phải xây dựng mã số vùng trồng, thay đổi tư duy sản xuất từ phân bón, thuốc BVTV hóa học sang hữu cơ sinh học, xây dựng chuỗi Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Vải thiều Bắc Giang được ưu tiên 'luồng xanh' đi Trung Quốc
Xuất khẩu gần 4.000 tấn vải thiều sớm Bắc Giang

Bài viết mới nhất