Lần đầu tiên, Công ty TNHH Kinh doanh Nước mắm Huỳnh Khoa được người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao vào năm 2021…

Anh Nguyễn Huỳnh Anh Khoa tích cực chào hàng ở các kỳ hội chợ

Chưa đầy một năm sau, Huỳnh Khoa được chứng nhận tiếp theo Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập.

Theo Giám đốc Nguyễn Huỳnh Anh Khoa, để đạt được sự tăng tốc ngoạn mục này, bên cạnh việc siêng năng tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chí Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập thì cả hệ thống cần thực sự kiên nhẫn và luôn có ý thức hoàn thiện mình.

Là thế hệ thứ ba theo đuổi nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình, từ nhỏ anh Khoa đã theo cha mẹ thu mua cá, học cách ủ chượp và chứng kiến cảnh thăng trầm khi thị trường nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp đan xen. Huỳnh Khoa đã đầu tư gần 100 tỷ đồng nâng công suất từ 90 thùng năm 1995 lên 210 thùng ủ chượp, nới rộng diện tích nhà xưởng lên 5.500m2, sử dụng 38 lao động cả chính thức và thời vụ…

Nhưng cũng chưa đủ bởi định nghĩa “nước mắm Huỳnh Khoa ngon” phụ thuộc vào văn hóa và tập quán. Trong khi đó, ngay khi được số đông khen ngon thì vấn đề đặt ra là bài toán kinh tế – từ việc đầu tư nâng công suất, mở rộng nhà xưởng, trang bị dây chuyền chiết rót tự động, đóng chai, phát triển mạng lưới phân phối, khuếch trương thương hiệu… sẽ được giải thế nào. Mọi thứ phải đồng bộ hóa nên đã trở thành áp lực vận hành chưa từng có so với các thế hệ trước.

“Sau đợt giám sát sản xuất gần 4 tháng, tới khi Hội đồng chuyên gia đánh giá cấp chứng nhận là giai đoạn chuyển đổi, phải thực hành nghiêm túc mới có thể vừa đáp ứng được những quy định mới vừa nâng cao năng lực quản lý chất lượng cho toàn hệ thống”, Nguyễn Huỳnh Anh Khoa nói.

Hồi xưa, Khoa cứ nghĩ Phú Quốc có lợi thế vùng biển ấm, nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có, với công thức và kinh nghiệm gia truyền, anh có thể tạo ra sản phẩm nước mắm hòn đặc sắc.

Khi anh lớn lên, nguyên liệu cá cơm than giảm dần, muốn giữ được phẩm chất “đặc hữu” thì phải ướp cá khi còn tươi từ ngoài khơi. Công ty ký hợp đồng với 4 tàu đánh bắt ở Phú Quốc và Bà Rịa – Vũng Tàu; cá cơm Phú Quốc, muối biển của Bà Rịa – Vũng Tàu, loại muối không có tạp chất, ủ chượp trong thùng gỗ. Nguyên liệu ủ chượp đặt trong nhà thùng, mái tôn kín, duy trì nhiệt độ ổn định, lên men tự nhiên từ 12 – 15 tháng.

Nước mắm cốt Huỳnh Khoa được rút nỏ và nhỉ từng giọt sóng sánh màu nâu cánh gián đặc trưng, mùi thơm dịu, cảm nhận độ đạm tự nhiên và vị béo, Nguyễn Huỳnh Anh Khoa khẳng định công ty đã giữ được độ đồng đều chất lượng sản phẩm Nước mắm Phú Quốc Huỳnh Khoa.

Được sản xuất theo quy trình kiểm soát chất lượng từ khâu đánh bắt đến thành phẩm theo tiêu chuẩn  HACCP, ISO 22000, các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm soát toàn hệ thống theo tiêu chí Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, mỗi năm Huỳnh Khoa cung cấp cho thị trường trong nước 600.000 lít nước mắm. Nhiều Việt kiều về quê rất ưa chuộng, tự đóng gói “xách tay” nước mắm Huỳnh Khoa ngày càng nhiều, thúc đẩy doanh nghiệp nghĩ tới mở rộng thị trường chính ngạch.

Hiện nay, công ty đang ứng dụng nền tảng công nghệ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, minh bạch hóa quy trình. Người tiêu dùng chỉ cần quét QR code sẽ biết rõ mọi thông tin liên quan đến đánh bắt, ủ chượp, quy trình chiết rót đóng chai từng lô sản phẩm. “Sản xuất bền vững – An toàn cho sức khỏe người tiêu dùng là trên hết”, công ty đề ra mục tiêu xây dựng và định hình văn hóa doanh nghiệp.

Chỉ cần quét QR code sẽ nắm rõ thông tin nguyên liệu vùng đánh bắt, ngày tháng ủ chượp,

chiết rót, đóng gói cũng như mã, lô sản phẩm minh bạch

Huỳnh Khoa hướng tới thị trường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu người Việt, người gốc Châu Á và những người sành điệu từ các nền văn hóa khác. “Tiếp cận bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập và các chuyên gia dự án là môi trường thuận lợi để hiểu rõ các tiêu chuẩn khác khi xuất khẩu vào các thị trường Mỹ hay EU”, anh Nguyễn Huỳnh Anh Khoa nói.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Tiềm năng, thách thức của chương trình OCOP
Vú sữa Hoàng Kim: Cây trồng mới ở huyện vùng sâu Kbang

Bài viết mới nhất