Chuyển dần diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và vú sữa Hoàng Kim, gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng đã thu được những thành quả bước đầu.

Cơ duyên với vú sữa Hoàng Kim

Năm 2018, vườn cà phê của gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng (trú thôn 4, xã Sơ Pai, huyện Kbang, Gia Lai) cho năng suất giảm rõ rệt. Anh bàn với vợ và thống nhất hạn chế đầu tư vào vườn cà phê già cỗi cho thu nhập thấp này, tìm loại cây trồng mới hiệu quả hơn cho diện tích hơn 3ha cà phê đang dần xuống cấp.

Vú sữa Hoàng Kim đang bén duyên với vùng đất Kbang.

Theo đó, vợ chồng anh sang tận Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) ở Đắk Lắk tìm mua giống sầu riêng về trồng xen trong vườn cà phê già cỗi. Đến nay, trong tổng số 370 cây sầu riêng, có 200 cây trồng trước đó đã cho thu hoạch với thu nhập ổn định.

Không thể “đánh cược” với thế độc canh sầu riêng khi mà đến lúc vườn cà phê đã bỏ hẳn, anh chị lại mày mò tìm kiếm thêm loại cây trồng phù hợp. Những lúc rảnh, anh Hưởng lại mở điện thoại, tìm hiểu những mô hình mang lại hiệu quả cao hơn. Cơ duyên đã đến khi anh tìm đọc được một số bài viết nói về cây vú sữa Hoàng Kim (còn gọi là vú sữa vàng) thích hợp với vùng đất và khí hậu tương tự như ở vùng đất Sơ Pai của huyện Kbang.

Đầu năm 2019, một lần nữa, anh Hưởng lại sang Viện WASI để mua 100 cây giống vú sữa Hoàng Kim về trồng xen trong 5 sào cà phê già cỗi.

Vợ chồng anh Hưởng thực hiện đúng hướng dẫn của các kỹ sư Viện WASI: Trước khi xuống giống phải xử lý đất để loại bỏ nấm, sâu bệnh, sau đó bón lót phân chuồng, bổ sung dinh dưỡng để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Vú sữa Hoàng Kim được anh trồng với khoảng cách 7m/cây. Giữa các hàng cây vú sữa, anh trồng xen cây ổi, cam, chanh không hạt để vừa tạo bóng mát, vừa tăng hiệu quả sử dụng đất. Anh Hưởng cho biết: Vú sữa Hoàng Kim dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Đây là cây ưa nước, cần độ ẩm cao. Từ khi trồng đến lúc ra quả khoảng 16 – 18 tháng.

Thành công ban đầu

Trung bình mỗi năm, vú sữa cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt kéo dài gần 1 tháng. Quả vú sữa Hoàng Kim lúc còn non có màu xanh, đến khi chín ngả màu vàng tươi rất đẹp, trọng lượng trung bình 3 – 4 quả/kg, cá biệt có những quả nặng đến 0,5kg. Quả vú sữa Hoàng Kim chỉ có 1 – 2 hạt nhỏ. Anh Hưởng cho biết: “Vú sữa Hoàng Kim lúc chín có màu vàng óng, cắt ra ăn giòn, ngọt và rất thơm, đặc biệt không có mủ trắng như những giống vú sữa khác nên được khách hàng đánh giá cao, thị trường ưa chuộng”.

Người dân trồng vũ sữa Hoàng Kim đang từng bước mang lại hiệu quả.

Bình quân 100 cây vú sữa Hoàng Kim của anh Hưởng cho sản lượng hơn 3 tấn quả/năm. Gia đình thu hái đến đâu thương lái mua hết tới đó với giá 60 ngàn đồng/kg. Trong quá trình thu hoạch, những quả vú sữa bị dập nát, hư hỏng, anh Hưởng lấy hạt, bán với giá 3 ngàn đồng/hạt.

Vườn vú sữa Hoàng Kim 100 cây đã mang lại thu nhập cho gia đình gần 160 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. “Vú sữa Hoàng Kim càng lớn cho năng suất càng cao. Vì thế thời gian tới, tôi tập trung chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh để vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Tôi cũng sẽ ươm cây giống bán ra thị trường và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu trồng vú sữa Hoàng Kim”, anh Hưởng cho hay.

Cũng theo anh Hưởng, đến lúc toàn bộ vườn cà phê già cỗi hẳn, anh sẽ chuyển hẳn sang trồng sầu riêng, vú sữa Hoàng Kim cũng như một số cây trồng khác phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao…

Thấy vườn cây của gia đình anh Hưởng đạt hiệu quả cao, nhiều hộ dân trong xã đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Hiện 2 hộ đã đầu tư trồng hơn 200 cây vú sữa Hoàng Kim trên diện tích gần 1ha.

Anh Phạm Văn Hậu (thôn 2, xã Sơ Pai) đước đó có vườn cây dược liệu tương đối lớn ở địa phương. Thấy mô hình vú sữa Hoàng Kim của gia đình anh Hưởng mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Hậu liền tìm đến học hỏi kinh nghiệm, sau đó dành ra diện tích đất để trồng 120 cây vú sữa Hoàng Kim.

Vú sữa Hoàng Kim có giá bán 60.000 đồng/kg

Anh Hậu chia sẻ: “Đầu tháng 10/2022, tôi trồng 120 cây vú sữa Hoàng Kim, trong đó có 80 cây thực sinh, ươm từ hạt và 40 cây ghép. Qua theo dõi, tôi thấy cây ươm từ hạt sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với cây ghép. Hi vọng mô hình này sẽ thành công”.

Không chỉ trồng ổi, vú sữa Hoàng Kim, sầu riêng…, với diện tích hơn 3ha, anh còn tranh thủ trồng chanh leo, dưới tán trồng dứa và các loại cây ngắn ngày khác như bí bò đất, các loại rau, củ ưa rợp… “Lấy ngắn nuôi dài, tranh thủ đất trống, tận dụng phân bón và nước tưới cho các loại cây ăn quả để kiếm thêm thu nhập”, anh Hưởng chia sẻ.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Sản phẩm truyền thống chuẩn hội nhập
Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần I của các quận, huyện: Thanh Trì, Đống Đa, Hà Đông, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thị xã Sơn Tây năm 2022

Bài viết mới nhất