Qua bàn tay kiến thiết, vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ông Tống Thanh Đức (Tây Ninh) đã biến vùng đất trũng thành vườn cây ăn quả xanh mướt.

Không phải hiển nhiên ông Tống Thanh Đức ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh vừa được bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Hơn 20 năm trước, ông từ bỏ nghề giáo bao người hằng mơ ước để bước vào nghề nông. Với 2 bàn tay trắng, sau hàng chục năm miệt mài lao động, đến nay, ông Đức sở hữu 25ha đất, đem lại thu nhập cho gia đình mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Vườn sầu riêng hữu cơ bạc tỷ của ông Đức trên vùng đất trũng

Chủ tịch Hội Nông dân xã Truông Mít, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thành quả ông Đức có được hôm nay chính là nhờ niềm đam mê nông nghiệp và cách làm bài bản. Ông rất chịu khó tìm hiểu khoa học kỹ thuật qua nhiều kênh khác nhau rồi tự mình đi tìm hiểu các nơi. Mô hình nào không biết, ông lại đi tìm người giỏi hơn để nhờ tư vấn, giúp đỡ. Từ mô hình của ông Đức, Hội Nông dân xã Truông Mít thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu cho nông dân các địa phương khác đến tham quan, học hỏi.

Dẫn chúng tôi thăm dấu tích của vùng đất trũng còn tồn tại sau khi được chuyển đổi sang cây ăn trái và hoa màu cùng cây công nghiệp dài ngày, ông Đức cho biết, ngày trước, cao su, lúa và đậu phộng là những loại cây trồng chủ lực trên địa bàn xã. Với quan niệm đã làm nông nghiệp là phải có đất, nhờ mủ cao su được giá, hoa màu và cây lương thực trúng mùa, nhiều năm như thế ông tích cóp dần để mở rộng thêm đất canh tác.

Với triết lý “cây không đụng lá, cá không chạm đuôi”, ông Đức đã lên liếp rất khoa học.

Nhưng lợi thế cây trồng chủ lực không lâu bền mãi. Trong khoảng thời gian gần chục năm, giá cao su duy trì ở mức thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân trồng cao su tiểu điền. Tương tự, cây đậu phộng cũng vậy. Ngày trước ít ai trồng đậu phộng trúng mùa và đạt năng suất như ông Đức. Thế nhưng thời giá bấp bênh, khó cạnh tranh, đậu phộng không còn là lựa chọn ưu tiên của người dân.

Theo ông Đức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương của tỉnh Tây Ninh nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ những năm 2000, ông và nhiều nông dân cũng bắt đầu chuyển đổi trên vườn đất của mình. Trên diện tích 25ha, ông Đức chỉ duy trì 8ha cao su, 6ha lúa và đậu phộng. Phân nửa diện tích còn lại ông Đức trồng 8ha sầu riêng, 2ha nhãn tiêu da bò và 1ha trồng tre lấy măng.

Tuy trồng trên đất trũng nhưng cây vẫn cần được tưới nước hợp lý để sinh trưởng phát triển ổn định

Trong số diện tích chuyển đổi, sầu riêng là cây trồng ông Đức tâm đắc nhất. Ông Đức kể, từ 5 năm trước, vùng đất này vẫn còn là vùng trũng thấp. Ông mua đất rồi mướn xe đào mương, lên liếp rồi trồng toàn bộ giống sầu riêng Ri6. Hớp ngụm trà thơm, ông Đức bộc bạch, với triết lý “cây không đụng lá, cá không chạm đuôi”, khác các tỉnh ở miền Nam và Tây Nguyên, ông trồng sầu riêng với mật độ thưa, chỉ khoảng 100 cây/ha. Mương nước giữa các luống trồng sầu riêng cũng được ông cơi nới rộng rãi so với các vườn đã tham qua ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Ngoài ra, giữa thời điểm phân hóa học đa dạng, dễ dàng tìm mua để xử lý cho cây trái vườn nhà thì lão nông này lại từng bước chuyển dần sang dùng phân hữu cơ. Ông Đức quan niệm, sử dụng phân hóa học nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, chi phí lại cao, còn phân hữu cơ vừa an toàn, vừa tốt cho cây và đất, người tiêu dùng ăn sầu riêng vườn nhà ông cũng an tâm hơn.

Ông Đức tự hào bên vườn sầu riêng xanh tốt của mình

Hiện nay, vườn sầu riêng của ông Đức có khoảng 1.000 gốc, trong đó phần lớn đang cho trái, năng suất khoảng 20 tấn/ha. Trong vụ sầu riêng 2022 vừa qua, ông thu về khoảng 2 tỉ đồng sau khi trừ chi phí. “Hồi trước sử dụng phân hữu cơ ít, còn bây giờ chiếm 2/3 lượng phân cho vườn. Phân hóa học dùng ít lại, chủ yếu không để thiếu chất. Mình xem cây như con người. Anh em nào không biết thì đến đây, tôi sẵn sàng tư vấn. Một là phải lên liếp trồng sầu riêng như thế nào cho có hiệu quả. Thứ hai là loại giống gì mà trồng được để xuất khẩu, bán được giá. Hiện tôi trồng sầu riêng Ri6, ngoài tiêu thụ trong nước, thị trường Trung Quốc rất thích ăn loại này…”, ông Đức tâm sự.

Ngoài sầu riêng, trên diện tích 25ha, ông Đức còn trồng nhiều loại cây trồng khác

Tại địa phương, ông Đức cũng là hội viên năng nổ khi thường xuyên tham gia công tác Hội Nông dân, tích cực hỗ trợ hội viên nghèo và bà con có hoàn cảnh khó khăn. Ông Đức là một trong những mạnh thường quân có đóng góp rất lớn ở địa phương.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Phòng kinh tế huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội tổ chức đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện
Kết thúc vụ 2021-2022, ngành mía đường được mùa được giá, dự báo sản lượng sẽ tiếp tục tăng trong vụ mới

Bài viết mới nhất