Trở thành cây trồng chủ lực, giá trị rất cao tại Ba Chẽ (Quảng Ninh), ít ai ngờ cây trà hoa vàng bản địa này từng đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Từ giống cây có nguy cơ bị mai một

Qua Thị trấn Ba Chẽ (Quảng Ninh), dọc theo tỉnh lộ 330 khoảng 30 cây số là đến xã Đạp Thanh, nơi được xem là “thủ phủ” của cây trà hoa vàng ở huyện miền núi Ba Chẽ.

Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) kể, cây trà hoa vàng là loài bản địa, mọc tự nhiên trên rừng, bên các khe, lạch. Trước đây, có thời điểm thương lái tìm mua ráo riết cây trà hoa vàng, bà con đi rừng thường đào cây về bán cho các thương lái nước ngoài với giá khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/cây. Vì vậy, cây trà hoa vàng tự nhiên cứ thế ngày một ít đi và có nguy cơ biến mất.

Ông Nịnh Văn Trắng giới thiệu về sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ

Là người dân tộc thiểu số sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Ba Chẽ, nhiều năm trước, ông Trắng đã từng đi rừng tìm loại hoa này gom lại đem bán. Nhận thấy lợi ích to lớn mà cây trà hoa vàng đem lại, ông Trắng đã chọn cách trồng cây thay vì bán cây. Ông Trắng là một trong những người tiên phong trồng, khôi phục và bảo tồn cây trà hoa vàng.

Quyết định là thế nhưng khi đem câu chuyện bàn bạc với gia đình, nhiều người thân đã tỏ ý ái ngại, không đồng tình. Nhớ lại thời gian này, ông Trắng vẫn không thể quên sự phản đối của cụ thân sinh. “Bố tôi khi đó phản đối dữ dội lắm. Ông cụ bỏ ăn mấy ngày liền. Cụ gay gắt rằng mày không làm được thì phải để đất cho con cái mày làm. Đổi ruộng rồi lấy gì mà ăn?”.

Rất may, vợ ông là bà Nguyễn Thị Bảy đã ủng hộ và luôn động viên ông thực hiện mong ước của mình. Đầu năm 2009, ông Trắng bắt tay vào thực hiện dự án trồng cây trà quý với hành trang 3.000m2 đất của gia đình chia cho và toàn bộ vốn liếng là tiền tích cóp của hai vợ chồng trong hơn chục năm trời, cùng với tiền vay ngân hàng.

Hàng nghìn cây trà hoa vàng đã được ông Trắng mua lại của những người dân đào được khi đi rừng để đưa về trồng. Từ thời điểm đó, người đàn ông dân tộc Sán Chỉ lấy rừng là nhà, lấy gốc cây làm nơi ăn uống, nghỉ ngơi. Ngày ngày, ông cùng người thân dồn hết sức chăm sóc cho loại cây này, hi vọng chúng sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh và ra hoa như mong đợi.

Hánh trình làm chủ loại cây được ví như vàng

Hào hứng trước kế hoạch đã định, thế nhưng trời không chiều lòng người. Do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chưa chuẩn trong khi loại cây này vốn không ưa đất đồi mà chỉ ưa trồng trong rừng, giáp khe sâu nên cây giống được ông Trắng tỉ mỉ trồng cứ thi nhau chết.

“Có thời điểm, gần 50% số cây giống bị chết, phải đào lên vứt đi, nhìn mà xót. Lúc đó tôi nản lắm, chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng vốn đam mê loại cây này, rồi nhờ có vợ tôi động viên và cũng vì nếu bỏ dở giữa chừng thì phí công sức và tiền vốn đã đầu tư nên tôi vẫn quyết định đi tiếp”, ông Trắng bồi hồi nhớ lại.

Vợ chồng ông Trắng đã tiên phong trồng thành công cây trà hoa vàng từ nguồn cây tự nhiên.

Có được sự đồng tình từ gia đình đã khó, làm chủ công nghệ trồng và chăm sóc trà lúc này với ông lại càng thử thách. Cây trà hoa vàng vốn ưa bóng râm, nay đưa lên đồi trồng lại phải cấp nước tưới cho cây, cây trồng đảm bảo khoảng cách, trồng dày quá cây cũng chết.

Quyết tâm đến cùng, ông Trắng đã ngày đêm tự mày mò để cứu rừng cây vừa ươm trồng của mình. Do chưa có ai trồng được loại cây này nên ông không có ai để chia sẻ kinh nghiệm. Ông bắt đầu từ vấn đề tạo độ ẩm, độ mát cho cây bằng cách sử dụng nhiều máy bơm, bơm nước nhiều và đều đặn mỗi ngày.

Quả nhiên, những cây trà này đã trở nên xanh tốt, lá cũng mọc lên nhanh hơn. Và rồi sau 4 năm mất ăn mất ngủ, đến năm 2013, hàng nghìn cây trà hoa vàng của vợ chồng ông Trắng đã có nụ. Ngày ấy, gia đình ông vui như thấy vàng.

Bà Nguyễn Thị Bảy, vợ ông Trắng kể lại, ngày những cây trà có nụ rồi trỗ hoa, nhìn những bông hoa cánh mỗi ngày một to lên, màu hoa vàng rực rỡ, hai vợ chồng không giấu được sự xúc động. “Nâng niu bông hoa trên tay, ông Trắng nhìn tôi rồi nói từ nay có thể ăn ngon, ngủ yên rồi”, nói đến đây, nước mắt như chực lăn trên gò má bà Bảy.

Bước đầu thành công, nhưng với 3.000m2 và hơn 1 nghìn cây trà năm đầu tiên cũng chỉ cho 15kg hoa. Bài toán về năng suất lại cần ông Trắng giải quyết. Ông mày mò tìm hiểu làm sao để chăm sóc loại cây này có hiệu quả hơn nữa. Một mình ông Trắng phải tự đi khắp các tỉnh rồi sang Trung Quốc học hỏi kỹ thuật.

Trà hoa vàng đang là một trong những cây trồng chủ lực của huyện miền núi Ba Chẽ

Đồng thời, ông tìm hiểu xem ngoài phần hoa thì lá loại cây này có thể sử dụng được không? Sau khi loại lá này được các nhà chuyên môn xác định có công dụng tốt như tiêu mỡ máu, điều hòa huyết áp, ông Trắng đã hái, thái nhỏ, sao lên và đóng thành túi lọc để bán cùng hoa.

Sản phẩm OCOP 5 sao được ưa chuộng

Không chỉ làm chủ kỹ thuật trồng, ông Trắng cũng hoàn thiện quy trình sản xuất sấy thăng hoa để hoa trà giữ nguyên màu sắc, mùi vị và dược tính. Ông cũng chuẩn hóa quy trình sản xuất trà từ khâu tuyển chọn đến đóng gói.

Theo ông Trắng, hiện giá hoa trà khô được bán 15 triệu đồng/kg; một hộp lá trà nhúng có giá 60 ngàn đồng và lá trà khô để nguyên có giá 50 ngàn đồng/gói. Ngoài thu nhập từ hoa trà, lá trà, ông còn ươm thành công 10 vạn cây trà giống và bán với giá 35.000 đồng/cây.

Từ một loại cây rừng mọc dại, trà hoa vàng được khôi phục, trở thành cây trồng chủ lực tại Ba Chẽ. Với giá bán cao và ổn định, loài hoa được ví như vàng đã và đang mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người trồng, giúp họ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Trà hoa vàng Ba Chẽ giờ đây đã trở thành sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao, chứng nhận cao nhất trong Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh. Không dừng lại ở đó, sản phẩm này cũng đang hướng đến trở thành sản phẩm OCOP quốc gia.

Trà hoa vàng hiện là sản phẩm OCOP 5 sao được người tiêu dùng ưa chuộng

Hiện nay, loại cây quý này đang phát triển tốt từ cây giống đến sản phẩm chế biến sâu. Trà hoa vàng vừa là thức uống giá trị cao, vừa là dược liệu quý hiếm, ngày càng đứng vững trên thị trường.

Sản phẩm Trà hoa vàng Ba Chẽ được trồng, chăm sóc, chế biến, nhân giống đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe. Quá trình sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng tiến tiến HACCP và ISO 9001:2015, với công nghệ sấy thăng hoa giúp giữ nguyên được hương vị thuần khiết và nhiều dưỡng chất quý giá vốn có của trà hoa vàng.

Sự “thăng hoa” của cây trà hoa vàng trên mảnh đất Ba Chẽ không chỉ là câu chuyện của những nông dân tiên phong, dám nghĩ, dám làm như ông Trắng mà còn là minh chứng cho sự đúng đắn từ chủ trương biến Ba Chẽ thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh.

Hiện diện tích trồng cây trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ đã phát triển lên đến gần 300ha. Nghề trồng cây dược liệu quý này không chỉ tạo sinh kế, giúp người dân làm giàu mà còn tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, là nền tảng để huyện miền núi Ba Chẽ phát triển cả dịch vụ du lịch.

Nhằm góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây trà hoa vàng, công ty của ông Trắng đã hỗ trợ thu mua hoa của bà con dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ để chế biến thành sản phẩm, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Việt Nam nhập khẩu gần 26.000 tấn tiêu nguyên liệu trong 7 tháng
Tưới phun mưa tự động giúp vườn nhãn tăng gấp rưỡi năng suất

Bài viết mới nhất