Hiện nay, để quản lý chặt chẽ nguồn gốc nông sản, thực phẩm trên thị trường và minh bạch thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp về phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản. Nhờ đó, sản phẩm tiêu thụ ổn định và nhiều mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Rau xanh ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) được chăm sóc theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ.

Hiệu quả rõ rệt

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) cho biết, năm 2017, hợp tác xã bắt tay vào mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết, toàn bộ sản phẩm của hợp tác xã được giám sát theo quy trình sản xuất chặt chẽ từ khi trồng đến chăm sóc, sơ chế, đóng gói sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt, 100% sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã sau khi được thu hoạch và sơ chế đóng gói đều được dán tem QR code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối internet.

Cũng về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quốc Quân – Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), hiện nay, với quy mô 100.000 con gà, nhờ sản xuất theo quy trình an toàn, thực hiện dán tem QR code truy xuất nguồn gốc xuất xứ, trung bình mỗi ngày, chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây cung cấp khoảng 0,5 tấn thịt gà cho thị trường.

Đánh giá về hiệu quả của việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin, hiện nay, ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền www://check.hanoi.gov.vn. Hệ thống này đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 2.854 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản; 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn; đến nay đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, 238 doanh nghiệp thuộc 41 tỉnh, thành phố với 9.494 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những mặt đạt được, việc triển khai phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm vẫn còn khó khăn do nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng còn hạn chế. Cùng với đó, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản được bán ở các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh… được lấy từ những hộ kinh doanh tại chợ đầu mối. Tuy nhiên, Ban Quản lý chợ đầu mối còn hạn chế trong kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của các hộ, cơ sở kinh doanh, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm kinh doanh tại chợ. Nhìn chung, các hộ kinh doanh tại chợ chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, hiện toàn huyện có 71 cơ sở, doanh nghiệp tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa với 521 sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Để công tác truy xuất nguồn gốc đạt hiệu quả cao, huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng truy xuất nguồn gốc theo mã QR; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm như: Hỗ trợ gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm an toàn, hỗ trợ tham gia các hội chợ trưng bày, kết nối sản phẩm trong và ngoài huyện; tăng cường công tác hậu kiểm, hỗ trợ kinh phí phân tích các mẫu thực phẩm phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng cơ quan liên quan ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các địa phương; sau đó tích hợp lên hệ thống truy xuất hàng hóa quốc gia. Ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan phát triển, quản lý “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm an toàn cho thành phố” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện, tích hợp, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; tiếp tục tham mưu để có cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất tham gia hệ thống. Ngoài ra, các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở hoạt động về truy xuất nguồn gốc trên địa bàn như: Tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QR…

Nguồn bài viết: Xem chi tiết tại đây

Chia sẻ bài viết

Những món mắm “độc đáo” ở Sóc Trăng
Hà Nội: HTX Ba Chữ áp dụng thành công mô hình trồng rau sạch hữu cơ (tiêu chuẩn PGS)

Bài viết mới nhất