Mô hình trồng cà chua bi theo hướng VietGap do Hội Nông dân tỉnh triển khai được gia đình ông Tống Văn Lư ở xóm 4, xã Mai Sơn (Yên Mô) nhận trồng thí điểm với quy mô 1,5 ha. Đến nay, cây cà chua bi đã cho thu hoạch và được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao, cho sản phẩm an toàn.


Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình trồng cà chua bi theo hướng VietGap ở xã Mai Sơn (Yên Mô)

Đồng chí Phạm Văn Việng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGap đã được các ban, ngành và địa phương triển khai, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, như mô hình trồng rau an toàn tại xã Yên Từ, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Gia Phương.

Từ đầu năm 2015, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban Chủ nhiệm đề tài “Xây dựng mô hình trồng cây cà chua bi theo hướng VietGap, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô”.

Giống lựa chọn là giống cà chua Thúy Hồng của Công ty cổ phần thực phẩm á Châu. Ban Chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn 4 chỉ tiêu VietGap: chọn đất trồng, giống, phân bón và phòng trừ sâu bệnh. Đây là những chỉ tiêu quan trọng, quyết định đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của quả cà chua và cũng là những chỉ tiêu trong quá trình sản xuất nông dân thường làm không đúng. Qua đó giúp cho nông dân làm quen dần với quy trình sản xuất theo hướng VietGap.

Sau hơn 3 tháng gieo trồng, đến thời điểm hiện tại, cây cà chua đã cho thu hoạch. Ông Tống Văn Lư cho biết: Đến thời điểm này, có thể khẳng định, đây là giống cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/sào.

Hiện nay, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn chục tấn cà chua. Sau khi trừ chi phí, có thể thu lợi hơn 100 triệu đồng. Theo ông Lư, nông sản được sản xuất theo hướng VietGap là sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cà chua được sinh trưởng trên các giàn đỡ, phía dưới gốc cây được phủ bạt, điều tiết được lượng nước cũng như tránh xói, lở đất. Phân bón không thực hiện trực tiếp ở gốc cây mà bỏ tại rãnh luống để phân từ từ ngấm đều vào gốc cây. Hơn thế, việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh phải đảm bảo liều lượng, dừng phun trước thu hoạch ít nhất 20 ngày.

Nhận thấy những thuận lợi của cây cà chua bi trồng theo hướng VietGap, nhiều hộ dân trong xã Mai Sơn đang có ý định sản xuất theo phương pháp canh tác này.

Ông Vũ Văn Bằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Sơn cho biết: Đây là một mô hình mới, đang được người dân ủng hộ. Hội Nông dân xã đang tích cực tuyên truyền cùng với việc tổ chức các đợt tham quan các mô hình điểm nhằm mở rộng diện tích gieo trồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Trong thời gian tới, việc dồn đổi các thửa to sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có nhu cầu triển khai các mô hình canh tác.

Từ hiệu quả của mô hình trồng cây cà chua bi theo hướng VietGap ở xã Mai Sơn, có thể khẳng định, sản xuất theo hướng VietGap là hướng đi mới, cần nhân rộng để hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Nguồn bài viết: Xem tại đây

Chia sẻ bài viết

Cổ Loa (Đông Anh): Sản xuất khoai tây theo hướng hữu cơ
Nhãn lồng Hưng Yên từng bước lên sàn thương mại điện tử

Bài viết mới nhất