Hiện nay, nhằm kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay hoạt động này phát huy hiệu quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường.
Sản xuất nông nghiệp an toàn là giải pháp quan trọng đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
– Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 3-1-2018 của UBND thành phố Hà Nội về duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến nay, kết quả đạt được ra sao, thưa ông?
– Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND về duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngành Nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (www.hn.check.vn; check.gov.vn), đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho 2.746 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản. Đồng thời đã cấp 7.771 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 543 mã sản phẩm so với cuối năm 2019).
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố phối hợp với Trung tâm IDE hoàn thiện cây quản trị trên hệ thống. Một số huyện như: Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh, Phúc Thọ, Ba Vì… đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm của Hà Nội trên địa bàn để tích hợp trên hệ thống chung toàn thành phố.
– Ông có thể cho biết, hiệu quả của việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản đối với cơ sở sản xuất và người dân như thế nào?
– Có thể nói, việc thực hiện phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thời gian qua đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường… Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất truyền thống 10-30%.
Mặt khác, hệ thống điện tử (www.hn.check.vn, check.gov.vn) ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, từng bước nâng cao năng lực cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất/cung ứng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng… Đặc biệt, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc của các mặt hàng nên yên tâm về chất lượng.
– Trong quá trình phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản còn gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
– Hiện nay, do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc gắn tem nhãn hàng hóa mới dừng lại ở mức cung cấp thông tin đơn giản, chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chủ thể doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, số lượng sản phẩm được gắn tem còn ít so với sản lượng, chủng loại nông sản và nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Hiện nay, việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm còn khá nhiều bất cập. Việc khó nhất là nông dân thực hiện ghi nhật ký sản xuất bằng giấy, sau đó nhập lên hệ thống. Do đó, một số hộ dân còn chưa chấp hành quy định, gây khó khăn cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong quản lý thông tin.
– Để đến cuối năm 2020, 100% chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code, để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội có giải pháp gì, thưa ông?
– Thực hiện mục tiêu chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, cuối năm 2020, sẽ có 100% chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thực phẩm ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code. Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Mặt khác, ngành Nông nghiệp tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thông qua các biện pháp gắn tem truy xuất nguồn gốc khi sản phẩm lưu thông trên thị trường; hướng dẫn, phối hợp với các địa phương kiểm tra tại cơ sở về quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh nông sản; thực hiện hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung – cầu sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh phát triển chợ thương mại điện tử (chonhaminh.gov.vn) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết tại đây
Bài viết mới nhất
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...
Top 5 Cách Phát Hiện Hàng Giả Ngành Đồ Gia Dụng
Top 5 Cách Phát Hiện Hàng Giả Ngành Đồ Gia Dụng Trong bối cảnh cạ ...
CheckVN Tặng Ngay Ưu Đãi Hấp Dẫn Nhân Dịp 79 Năm Quốc Khánh
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc Khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩ ...
Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc – Quảng Ninh 2024 diễn ra từ ngày 29/8-3/9 tại TP.Hạ Long
Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc – Quảng Ninh 2024 diễn ra từ ngày ...