Có thể thấy, việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc đang được cả DN, người dân và nhà quản lý rất quan tâm.

Theo Sở NN&NT Hà Nội, trong năm 2020, Hà Nội sẽ tập trung nhiều hoạt động siết chặt quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông sản, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, tập trung có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, khâu có nguy cơ cao về ATTP. Kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm gây mất ATTP, ngăn chặn sử dụng dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt là phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội và Chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố.

Xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về quá trình sản xuất hàng hóa

Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành các chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, thu hút nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia được giám sát thường xuyên về điều kiện ATTP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP… Đồng thời, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, ATTP của sản phẩm nông sản. Thông tin cảnh báo những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm ATTP cho người tiêu dùng biết.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, nhằm hỗ trợ DN, người tiêu dùng thực hành truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, Sở đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển (IDE) trực thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam xây dựng, cung cấp giải pháp, phần mềm sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” xây dựng hoàn thành “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền www.hn.check.vn đã chuyển hệ thống sang địa chỉ check.gov.vn thuộc sở hữu của Sở NN&PTNT Hà Nội. Năm 2019, toàn thành phố đã cấp mã tài khoản quản trị cho 2.718 cơ sở hợp tác xã DN, cửa hàng sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn (tăng 734 cơ sở so với năm 2018). Đã cấp mã QRcode truy xuất minh bạch thông tin cho hơn 7.288 mã sản phẩm của 867 DN (tăng 34% so với năm 2018)…

Trên thực tế, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm DN Hội nhập và Phát triển IDE cho biết, CheckVN là công nghệ của người Việt Nam dùng để thiết lập, lưu giữ, số hóa, theo dõi, kiểm soát, bảo mật, xác thực thông tin về sản phẩm hàng hóa trên mạng internet. Kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý với người tiêu dùng thông qua mã phản hồi nhanh QRcode và phần mềm ứng dụng trên smartphone. Đặc biệt với hệ thống các modul được thiết lập theo các tầng quản trị, quản lý gắn quá trình sản xuất và hình thành sản phẩm, CheckVN không chỉ kết nối trực tiếp nhà quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng mà còn cho phép hiển thị thông tin truy xuất sản phẩm cả về chiều sâu và chiều rộng. Đặc biệt còn cho phép xác thực lại thông tin truy xuất có chính xác hay không bằng cơ chế khóa linh hoạt cộng với các thuật toán bảo mật đã được bảo hộ độc quyền về sở hữu trí tuệ. Thiết lập một phương thức quản trị sản xuất 4.0 bằng việc số hóa tới từng sản phẩm hàng hóa, cập nhật nhật ký sản xuất, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử tại Việt Nam.

Có thể thấy, việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc đang được cả DN, người dân và nhà quản lý rất quan tâm. Theo đó, đối với DN là thể hiện sự minh bạch trong khâu sản xuất, kinh doanh của DN và sẵn sàng cung cấp các thông tin trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ. Tăng hiệu quả truyền thông và kinh doanh bảo vệ được sản phẩm, kiểm soát được thị trường, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu, thống kê về lịch sử xác thực của người tiêu dùng, hỗ trợ xử lý khi có vấn đề phát sinh (kịp thời xác định, thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn, khiếu nại)… Người tiêu dùng thông qua đó kiểm tra được thông tin về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhanh gọn và hiệu quả. Giúp người tiêu dùng nhận biết rõ về thực phẩm sử dụng, chủ động truy xuất bằng chính mã số trên mỗi sản phẩm, thao tác đơn giản, trả lời tức thì tại thời điểm xác thực, miễn phí xác thực chống giả…

Theo bà Phạm Thị Lý, khi xây dựng Kế hoạch 02/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ứng dụng “Quy trình xác thực chống hàng giả” xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc của thành phố, Hà Nội đã căn cứ vào Luật Hỗ trợ DNNVV để xây dựng hệ thống Hn.check.net.vn. Tới thời điểm hiện tại, hệ thống này đã hỗ trợ cho 30 quận huyện trên toàn thành phố Hà Nội thiết lập tài khoản quản trị cho 2.717 DN, HTX và cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản. Cấp mã truy xuất cho 7.229 sản phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm khi lưu thông trên địa bàn. Sau thành công tại Hà Nội CheckVN đã được ứng dụng xây dựng thành công Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hòa Bình và đã được DN trên địa bàn 43 tỉnh thành phố liên kết sản xuất chuỗi với Hà Nội tham gia ứng dụng.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các DN không chỉ cạnh tranh với hàng hóa trong nước mà đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nước ngoài ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng cho khả năng cạnh tranh của các DN. Bởi vậy giải pháp là xây dựng hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu thụ thông qua ứng dụng truy xuất nguồn gốc, qua đó đảm bảo cơ sở cho niềm tin của người tiêu dùng.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản

Bài viết mới nhất