Việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng mà người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hưởng lợi vì nguồn gốc sản phẩm được minh bạch.

Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND về kế hoạch duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (www.hn.check.vn, check.gov.vn).

Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 3-1-2018 của UBND thành phố Hà Nội về duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến nay, hệ thống này đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 2.746 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản. Đồng thời đã cấp 7.771 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 543 mã sản phẩm so với cuối năm 2019).

Bên cạnh đó, đã hỗ trợ 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố phối hợp với Trung tâm IDE hoàn thiện cây quản trị trên Hệ thống. Một số huyện như: Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh, Phúc Thọ, Ba Vì…đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm của Hà Nội trên địa bàn quận, huyện để tích hợp trên Hệ thống chung toàn Thành phố.

Đã đăng ký tên miền và trang web cho chợ Thương mại điện tử www.chonhaminh.gov.vn với Bộ Thông tin và truyền thông. Đến nay đã tạo lập trên 200 gian hàng cho các doanh nghiệp, chuỗi giá trị, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn trên trang giao dịch trực tuyến của chợ. Đăng ký tài khoản cho trên 600 thành viên trang giao dịch trực tuyến. Đã tiếp nhận trên 20.000 lượt truy cập vào xem, tìm kiếm thông tin hoặc mua hàng.

Ban Quản lý chợ đã triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền, quảng bá chợ Thương mại điện tử www.chonhaminh.gov.vn qua các gian hàng thực tế giới thiệu tại các địa điểm công cộng đông dân cư, các khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn các quận của thành phố Hà Nội.

Việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, minh bạch sản phẩm trên thị trường và người tiêu dùng được hưởng lợi. Đứng ở góc độ của người sản xuất, theo ông Hoàng Văn Khảm – Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), sau hơn 2 năm thực hiện truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của hợp tác xã được đối tác và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Hiện nay, bình quân mỗi năm hợp tác xã cung cấp 720 tấn rau, quả an toàn cho thị trường. Mỗi ngày, sau khi thu hoạch tại ruộng, rau được đưa về kho phân loại, sơ chế, dán tem truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, việc ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc còn nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Thực hiện mục tiêu Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, cuối năm 2020, thành phố phấn đấu duy trì, tăng mới hơn 20% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn tiêu thụ trên địa bàn thành phố; phấn đấu 100% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code. Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở các cơ sở, tập trung vào các sản phẩm, cơ sở có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những sản phẩm vi phạm để người tiêu dùng biết và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Cùng với đó là đẩy mạnh việc lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng, tập trung vào các sản phẩm rau, thịt; điều tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm mất an toàn tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội…

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Nông sản an toàn Quốc Oai được nhiều doanh nghiệp kết nối tiêu thụ

Bài viết mới nhất

Bài viết liên quan